Mục lục
Với khoảng 13.000 cơ sở y tế cùng hàng chục vạn nhân viên y tế chăm sóc sức khỏe cho trên 450 triệu lượt bệnh nhân (nội trú, ngoại trú) mỗi năm, ngành y tế nước ta hằng ngày thải ra một lượng rác nhựa khổng lồ.
Thích thú với túi đựng thuốc bằng giấy
Từ khoảng hai tháng nay, các nhà thuốc của Bệnh viện Bình Dân (TP.HCM) đồng loạt đưa vào sử dụng túi đựng thuốc bằng giấy, thay thế cho túi nilông.
Các túi này có màu xám, được thiết kế với kích thước đa dạng gồm 0,5kg, 1kg, 2kg, 7kg… có thể chứa đựng đủ hầu hết các đơn thuốc mà người bệnh được kê. Theo thống kê, một ngày có khoảng 2.200 túi giấy được sử dụng đựng thuốc cho người bệnh.
Tỉ mẩn kiểm tra, sắp xếp từng vỉ thuốc vào túi giấy, ông Nguyễn Ngọc Phúc (42 tuổi, ngụ tỉnh Đồng Nai) thích thú nói: “Tôi rất bất ngờ khi lần đầu tiên được bệnh viện phát thuốc đựng trong túi giấy rất thân thiện này. Túi giấy giúp việc tiêu hủy nhanh hơn khi thải ra, điều này rất tốt cho môi trường”.
Từ Khánh Hòa vào Bệnh viện Bình Dân để tái khám căn bệnh đau bao tử và đại tràng, ông Lê Hiền Triết (55 tuổi) bảo rằng dù tái khám nhiều lần ở nhiều bệnh viện, đây là lần đầu tiên ông được nhận thuốc qua túi giấy.
Bao năm với thói quen dùng túi nilông, ông Triết ngồi phân tích cả hai loại túi đều có chung công dụng đựng thuốc rất gọn, nhưng “túi nilông không dễ tiêu hủy, chỉ túi giấy thôi. Tôi thấy cần nhân rộng việc này để bảo vệ môi trường sống cho thế hệ sau này”.
Không quá bất ngờ như các bệnh nhân khác, cô Hiền (ngụ Q.Thủ Đức, TP.HCM) tỏ ra khá bình thản khi được các dược sĩ phát thuốc bằng túi giấy. Bởi từ nhiều năm qua cô duy trì thói quen mua sắm là mang theo cái làn đựng đồ thay cho túi nilông.
Xách trên tay túi giấy đựng toa thuốc điều trị bệnh sỏi thận, cô Hiền nói: “Việc làm này quá tốt, tôi rất đồng ý và nên nhân rộng ở nhiều bệnh viện khác, ở các lĩnh vực khác. Đặc biệt ở chợ, siêu thị – nơi sử dụng một khối lượng túi nilông khổng lồ”.
Không chỉ ý thức cho riêng mình, cô Hiền nói cứ đi đâu gặp ai đều chủ động nhắc nhở hạn chế sử dụng đồ nhựa. “Tôi thấy rằng cần có một giải pháp từ gốc, tức là cần hạn chế cả nơi sản xuất các loại túi nilông, chai nước nhựa… Như thế họ mới dần chuyển sang sản xuất các loại túi, chai lọ, ly bằng giấy để dần thay đổi thói quen người dùng” – cô Hiền đề xuất.
Không chỉ Bệnh viện Bình Dân, việc sử dụng túi giấy đựng thuốc cũng đang được Bệnh viện Chợ Rẫy áp dụng tại khoa dược nhiều tháng qua. Theo một nhân viên của bệnh viện, túi giấy, túi vải là hai hình thức thay đổi mới được ban giám đốc bệnh viện vừa thông qua. Điều này mang lại sự đổi thay đặc biệt trong bối cảnh thói quen sử dụng túi nilông của người bệnh ngày càng phổ biến.
Dược sĩ Trần Thị Ngọc Bích (Bệnh viện Bình Dân) cho biết do chương trình vừa mới triển khai nên nhiều người bệnh vẫn chưa quen. “Vừa bán thuốc, chúng tôi cố gắng vừa giải thích cho người bệnh hiểu ý nghĩa của việc dùng túi giấy để họ dần thích nghi” – dược sĩ Bích nói.
Không đấu thầu, mua sắm đồ nhựa
Không chỉ túi đựng thuốc, các chai nước suối tiện lợi, ống hút, ly nhựa, hộp xốp… đang dần “biến mất” tại các bệnh viện. Buổi giao ban đầu tuần qua tại Bệnh viện Chợ Rẫy có một điều rất lạ so với thường lệ.
Đó là trước mỗi chỗ ngồi của các lãnh đạo khoa, phòng đều được bố trí một ly sứ hoặc thủy tinh để uống trà thay cho các chai nhựa đựng nước suối, kèm ống hút như lâu nay. Từ tín hiệu “nói không với rác thải nhựa” này, thói quen sử dụng đồ nhựa của nhân viên y tế và người bệnh cũng dần đổi thay.
Theo thống kê của Bệnh viện Chợ Rẫy, trung bình một ngày toàn đơn vị thải ra môi trường khoảng 8 tấn rác thải sinh hoạt. Trong số này có một phần rất lớn bao nilông, sản phẩm nhựa dùng một lần khó phân hủy.
Và để hạn chế tình trạng sử dụng sản phẩm nhựa, bệnh viện quyết định không đưa vào danh mục đấu thầu, mua sắm các loại bao bì, túi nilông (ngoại trừ bao nilông đựng rác theo quy định của Bộ Y tế). Các khoa chuyển sang sử dụng các sản phẩm có công dụng tương đương, làm bằng vật liệu thân thiện với môi trường như túi giấy, vải.
Người đứng đầu bệnh viện yêu cầu các lãnh đạo khoa, phòng hạn chế và tiến tới không sử dụng nước uống đóng chai một lần, các loại ống hút nhựa trong tất cả các cuộc họp, hội nghị, hội thảo, sự kiện tổ chức tại đơn vị.
Tại nhà ăn, cửa hàng bách hóa, tiện lợi… trong bệnh viện được khuyến cáo hạn chế cấp phát bao bì, túi nilông cho nhân viên y tế và thân nhân người bệnh.
Tương tự, tại Bệnh viện Bình Dân trước đây thường ký hợp đồng mua chai nước nhỏ tiện lợi phục vụ trong các cuộc họp, đến nay đều được thay thế bằng các loại bình nước lớn (loại 20 lít), dùng ly thủy tinh, ly giấy để uống.
“Tại các cuộc họp, các khoa phòng đều “cắt” việc cấp phát chai nước nhỏ. Căngtin cũng chuyển sang dùng khay inox. Ngoài ra tất cả đều sử dụng ly và ống hút giấy thay cho ly nhựa phục vụ người bệnh, thân nhân mua mang đi” – một nhân viên của bệnh viện nói.
Ngoài các bệnh viện nêu trên, tại TP.HCM hiện có đồng loạt các bệnh viện như Nhi Đồng 2, Nguyễn Tri Phương, ĐH Y dược, Đa khoa Sài Gòn, Chấn thương chỉnh hình, Q.Thủ Đức… cũng đang trong quá trình triển khai hạn chế rác thải nhựa.
Còn trên phạm vi toàn quốc, theo Bộ Y tế, đến nay tất cả sở y tế của 63 tỉnh thành cả nước đã cam kết giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành y tế.
Hưởng ứng lời kêu gọi hạn chế rác thải nhựa, Bệnh viện Bình Dân triển khai cho nhân viên uống nước bằng ly giấy – Ảnh: BVCC
Cần giảm giá các vật dụng tự tiêu
TS.BS Trần Vĩnh Hưng – giám đốc Bệnh viện Bình Dân – khẳng định việc hạn chế rác thải nhựa được đơn vị đưa vào “chương trình năm”. “Trong một vòng xoáy cái gì cũng nhựa, chúng tôi đang tính toán cố gắng hạn chế đến mức tối đa việc sử dụng. Và động thái sử dụng túi giấy đựng thuốc thay cho túi nilông là một trong nhiều việc làm trong quá trình đó” – bác sĩ Hưng nói.
Theo bác sĩ Hưng, khi thay thế túi giấy, bệnh viện phải chấp nhận một thực tế là chi phí đội lên khoảng 30%, tức tăng khoảng 100 triệu đồng so với dùng túi nilông.
“Nhưng bệnh viện nghiên cứu quyết định chuyển đổi rất nhanh và triển khai được gần hai tháng nay. Mặc dù khá tốn kém nhưng chúng tôi chủ động làm không thoái thác. Bởi chúng tôi nhận thức đây là chuyện của chính mình, của thế hệ con cái mình chứ không phải chuyện của ai cả” – bác sĩ Hưng chia sẻ.
Cho rằng bỏ cùng một lúc các vật dụng từ nhựa là không thể, đặc biệt trong y tế có nhiều loại vật dụng bằng nhựa chưa có giải pháp thay thế, tuy nhiên, bác sĩ Hưng khẳng định việc tiến tới không sử dụng sản phẩm nhựa là việc làm “không thể chậm trễ”.
“Trong sinh hoạt và chuyên môn cái gì có thể nghiên cứu bỏ được thì nên bỏ, nếu không phải có kế hoạch thay thế. Tôi ví dụ như hai chai nước muối bằng nhựa và thủy tinh, nếu xét thấy chất lượng, giá cả bằng nhau bệnh viện nên ưu tiên mua chai thủy tinh sử dụng” – bác sĩ Hưng phân tích.
Trong khi đó, bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết – giám đốc Bệnh viện Hùng Vương – cho biết từ đầu năm nay, tức trước khi Bộ Y tế ra chỉ thị cam kết “nói không với rác thải nhựa”, đơn vị đã chủ động tuyên truyền hạn chế rác thải nhựa. Cụ thể trong các cuộc họp của ban giám đốc, Đảng ủy từ lâu “không còn bóng dáng” chai nhựa.
Điều khó khăn nhất trong quá trình thực hiện, theo bác sĩ Tuyết, là chi phí. Cụ thể đối với các bao túi tự tiêu lẽ ra các cơ quan quản lý nên có cơ chế khống chế giá thành thấp hơn bao nilông không tiêu. Có như thế mới khuyến khích được cộng đồng, các bệnh viện tham gia.
“Thực tế hiện nay, có nhiều khâu chúng tôi rất muốn chuyển qua sử dụng các loại túi tự tiêu nhưng vì giá thành quá đắt đỏ so với các loại túi nilông, điều kiện kinh tế không cho phép nên vẫn chưa thể thực hiện đồng bộ. Hi vọng thời gian tới Nhà nước sẽ có chính sách phù hợp để có thể khuyến khích các bệnh viện tham gia” – bác sĩ Tuyết nói.
* Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến:
Các bệnh viện phải cam kết
Từ nhiều năm nay, chủ trương của Bộ Y tế là xây dựng bệnh viện xanh, sạch đẹp và thân thiện với môi trường. Bộ Y tế ban hành chỉ thị này với mục tiêu yêu cầu các đơn vị trực thuộc bộ, giám đốc các bệnh viện, trường học, cơ sở y tế ký cam kết với bộ trưởng. Ở các bệnh viện từng giám đốc, trưởng khoa, nhân viên… đều phải ký cam kết.
Đặc biệt các bộ phận mua sắm các dụng cụ, thiết bị y tế, có cam kết nguồn vào, phê duyệt lệnh đấu thầu, mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế phải hạn chế tối đa các dụng cụ nhựa dùng một lần, nhựa khó phân hủy.
Chỉ trừ những sản phẩm không thể thay thế được bắt buộc phải tuân thủ để đảm bảo các tiêu chuẩn, quy chuẩn, còn lại các sản phẩm y tế, sinh hoạt đều phải giảm thiểu tối đa và tiến tới không dùng các sản phẩm nhựa một lần trong y tế.
* TS.BS Nguyễn Trung Hòa (giám đốc Trung tâm y tế Q.Gò Vấp, TP.HCM):
Khó khăn nhất vẫn là thay đổi thói quen
Trung tâm y tế Q.Gò Vấp là một trong những nơi đầu tiên ký cam kết không sử dụng sản phẩm nhựa với Sở Y tế TP.HCM và đang trong quá trình triển khai. Khi thực hiện chiến dịch “nói không với rác thải nhựa”, điều khó khăn nhất vẫn là thay đổi thói quen cố hữu mấy chục năm của người dân.
Khi đi thăm khám, nuôi bệnh có thể họ mang theo đủ thứ chai lọ đựng nước nhưng bệnh viện chỉ có thể tuyên truyền về ý thức, chứ không thể nghiêm cấm họ không được sử dụng.
Do đó, việc này muốn thay đổi, nâng tầm ý thức là cả một vấn đề lâu dài. Còn trong các cơ sở y tế, tôi nghĩ việc thực hiện trong nhân viên y tế không khó khi có một nội quy, quy định và có chế tài xử lý phù hợp.
TP.HCM: chỉ 11% rác thải nhựa được thu hồi tái chế
Ông Bùi Trọng Hiếu – chủ tịch HĐTV Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM – cho biết mỗi ngày có tới 1.800 tấn rác thải nhựa được thải ra trên địa bàn TP.HCM (chiếm hơn 20% tổng số rác thải). Tuy vậy, chỉ có khoảng 200 tấn được thu hồi tái chế (khoảng 11%).
Theo các chuyên gia môi trường, giải pháp căn cơ để xử lý rác thải nhựa tốt nhất hiện nay là đẩy mạnh công tác phân loại rác tại nguồn, đồng thời xử lý mạnh tình trạng xả rác thải ra môi trường. Theo đó, rác tại các hộ gia đình, chủ nguồn thải sẽ được phân làm 3 loại: rác hữu cơ (thức ăn thừa, lá cây, rau củ quả, xác động vật); rác tái chế (giấy, nhựa, kim loại, cao su, nilông, thủy tinh) và rác thải còn lại (không bao gồm chất thải nguy hại).
Tuy nhiên việc phân loại rác tại nguồn chưa được triển khai rộng khắp, hơn nữa rất khó phân loại tách bạch rác thải nhựa ra khỏi rác thải sinh hoạt bởi hiện tại người dân chưa thay đổi thói quen sử dụng bao nilông đựng rác.
Theo: Báo tuổi trẻ